Một số mở bài cho các tác phẩm ngữ văn lớp 11 (HS Võ Hoàng Phương Thảo, Lớp 12A4 năm học 2018-2019)

Lượt xem:

Đọc bài viết

I. CHÍ PHÈO- NAM CAO

MB1: Phân tích tình yêu chí Phèo và Thị Nở (hay Sự Thức Tỉnh của Chí Phèo)

Ai đó đã từng nói rằng : “Tình yêu sẽ cảm hóa con người”. Ai đó đã từng nói: “Yêu là mù quáng”. Và người ta thường nhắc đến mối tình của Chí Phèo- Thị Nở như một câu chuyện hài hước về tình yêu dang dở, trái ngang. Nam cao đã để hai con người ấy gặp nhau qua tác phẩm “Chí Phèo”- một tác phẩm viết về người nông dân, sự đen tối và ngột ngạt của con người trước CMT8. Hai con người ở tận cùng của đáy xã hội gặp nhau, yêu nhau một cách cách tình cờ và chớp nhoáng.Nhưng chính chút tình yêu thương mộc mạc ấy , chút cử chỉ giản dị chân thành của Thị đã đốt cháy lên ngọn lửa lương tri còn sót lại nơi đáy sâu trong tâm hồn Chí, đánh thức dậy bản chất lương thiện vốn có bên rong con người lầm lạc của xã hội đương thời.

MB2: Phân tích nhân vật Chí Phèo

Có những khoảnh khắc con người ta bị dồn đẩy đến những bi kịch tận cùng phải tự tìm ra con đường giải thoát cho chính mình. Có những khoảnh khắc những bi kịch tiếp nối những bi kịch. Có nhiều nhà văn đã đẩy những bi kịch vào trong tác phẩm của mình như vậy để nhân vật trải qua biết bao xúc cảm “ hỉ, nộ, ái, ố” đều đủ cả để diễn tả hết thảy cái cuộc sống đầy rẫy những bất công của con người trong xã hội đương thời. Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao là hiện thân của những bi kịch ấy.Được in trong tập “Luống Cày” năm 1946,Nam Cao đã thực sự thành công trong việc xây dựng người nông dân trong bức tranh đen tối, ngột ngạt, bế tắc của nông thôn Việt nam trước CMT8 qua  “Chí Phèo” .Tác phẩm đã để lại biết bao nhiêu những cảm xúc trong lòng người đọc bởi tất cả những đau đớn trong bi kịch mà họ phải trải qua, là bi kịch của một đời người, là bi kịch của một số phận, là bi kịch của cả một thời đại mà nhân vật ấy sống, thật đáng thương biết bao!

MB3: Phân tích tác phẩm Chí Phèo

Ai đó đã từng nói rằng: “ Tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”.Một nhà văn đã viết rất nhiều, viết rất hay, viết rất sâu sắc mà qua ngòi bút của ông mỗi nhân vật đều mang một cá tính riêng biệt, một nét đẹp riêng biệt không trộn lẫn. Đó là Nam Cao. Nếu như qua “Lão Hạc” ta bắt gặp hình ảnh người nông dân nghèo với phận đau thương  nhưng hiền lành lương thiện và phẩm chất cao quý, tiềm tàng của họ trong xã hội phong kiến. Thì khi đến với “Chí Phèo”- Một tác phẩm xuất sắc giai đoạn 1930-1945 viết về người nông dân trước cách mạng. Nam Cao đã vẽ lên một bức tranh xã hội u ám, với những xung đột giai cấp quyết liệt, gay gắt. Đồng thời cho thấy những người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường bần cùng, lưu manh hóa, bị hủy hoại cả thể xác lẫn tâm hồn, bị cự tuyệt quyền làm người. Với cái nhìn sắc bén, đầy tính nhân văn. Bằng khả năng phân tích lí giải hiện thực hết sức tinh tế, bằng vốn sống dồi dào và trái tim nhân ái, Nam cao đã xây dựng nên 1 tác phẩm với những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc mà khó có thể tìm thấy ở các nhà văn đương thời.

MB4: Bi kịch bị tước đoạt quyền làm người

Căm ghét xã hội thực dân phong kiến thối nát, phê phán mãnh liệt các thế lực thống trị xã hội trên cơ sở cảm thông, yêu thương trân trọng con người nhất là những con người bị vùi dập, chà đạp. Đó là cảm hứng chung của các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 30-45.Với Tắt đèn của Ngô Tất Tố ta bắt gặp hình ảnh chị Dậu phải chạy đôn chạy đáo kiếm từng miếng ăn, phải bán con, bán chó, bán cả sữa của mình cũng không đủ tiền nộp trong những ngày sưu thuế.Dưới con mắt của nhà văn trào phúng bậc thầy Vũ Trọng Phụng, cuộc đời như một tấn bi hài kịch thể hiện qua tiếng cười châm biếm sắc sảo, sâu cay trong tác phẩm: Số đỏ với bức chân dung biếm họa qua các nhân vật Xuân tóc đỏ, cụ cố Hồng, ông Phán mọc sừng, cô Tuyết. Thì đến với Nam Cao, ta lại được khám phá cái hiện thực đương thời ấy bằng một cái nhìn riêng biệt mà tinh tế qua nhân vật “Chí Phèo” trong tác phẩm cùng tên của nhà văn.Chí Phèo là hiện thân cho số phận đầy bi kịch: Một con người bị tước đoạt hết quyền sống, quyền làm người, một con người bị đồng loại bỏ rơi xa lánh, không được xã hội thừa nhận, một con người bị cự tuyệt quyền làm người lương thiện sau bao lần cố gắng thay đổi chính mình.

II. HAI ĐỨA TRẺ- THẠCH LAM

MB1: Phân tích cảnh đợi tàu (hay Khi đoàn tàu đi qua)

Dãy phố nghèo của một cái thị trấn nhỏ có đường sắt chạy qua, một cái ga xép và cái chợ nhỏ cạnh cánh đồng cùng một ít nhân vật quen thuộc, lặng lẽ như những cái bóng. Đó là “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam, một tác phẩm in trong tập “Nắng trong vườn”, một truyện ngắn không có cốt truyện nhưng thấm đẫm tinh thần nhân văn. Qua Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã tìm được một lối biểu hiện rất riêng, tạo ra sức lôi cuốn, ám ảnh đặc biệt trong lòng người đọc qua những tình huống chuyện nhẹ nhàng mà lôi cuốn. Trong đó có thể nói, tình huống đợi tàu( hay khi đoàn tàu đi qua) là một tình huống độc đáo của tác phẩm khi đã khắc họa được khung cảnh nơi phố huyện nghèo chân thực mà lôi cuốn.

MB2: Phân tích bức tranh phố huyện

Ai đó đã từng nói rằng :”Xúc cảm của nhà văn Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo. Thạch Lam là một nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước sự sống của mọi người xung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị mà nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học”. Quả thật đúng như thế, lật những trang sách của Thạch Lam, ta như lạc vào một thế giới khác, một thế giới biết bao xúc cảm về những cuộc đời, những cảnh ngộ với những kiếp người. Đến với “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam- một tác phẩm in trong tập “Nắng trong vườn”ta sẽ bắt gặp cái bức tranh để lại ấn tượng ám ảnh trong lòng người đọc, đó là bức tranh  phố huyện nghèo trong thời gian từ chiều muộn về đêm khuya với nhịp sống đơn điệu, đượm buồn của những kiếp người nhỏ bé.

MB3: Phân tích các nhân vật trong truyện ngắn “ Hai đứa trẻ”

Trong không khí sôi động của trào lưu văn học giai đoạn 1930-1945 mà hầu như mỗi tác phẩm đều khắc hoạ thành công những nhân vật điển hình có ý nghĩa phê phán quyết liệt, tố cáo mãnh liệt những thủ đoạn áp bức bóc lột, chính sách bịp bợm, giả dối của giai cấp thống trị, đồng thời phơi bày nỗi thống khổ của nhân dân với thái độ cảm thông sâu sắc. Thì Thạch Lam chính là một tiếng nói nhỏ nhẹ, điềm tĩnh mà lắng sâu, hiền lành,thủ thỉ và có sức truyền cảm đặc biệt. Thạch Lam là một  trong những thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhưng văn chương lại đi theo hướng rất riêng. Truyện của ông không có cốt truyện mà thường thiên về tâm trạng, nhân vật ông xây dựng là nhân vật xuất phát từ cảm xúc với những nét đẹp tâm hồn giản dị, mộc mạc mà đẹp đẽ, chân chất mà thật thà. Một trong những tác phẩm tiểu biểu cho ngòi bút của thạch lam chính là “Hai đứa trẻ”, một tác phẩm mà thông qua nó nhà văn đã bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc trước cuộc sống nghèo khổ tăm tối của nhân dân, đồng thời bày tỏ thái độ trân trọng với những ước mơ khát khao đẹp đẽ của con người.

MB4: Phân tích hình tượng ánh sáng và bóng tối  trong “Hai đứa trẻ”

Ánh sáng và bóng tối muôn đời được người ta xếp đặt ở vị trí đối lập nhau, sự đối lập hoàn hảo. Hai thái cực tưởng chẳng bao giờ có thể dung hòa ấy nay lại được nghệ thuật hòa trộn với nhau, bổ sung nhau, nâng cao giá trị cho nhau. Và cũng chỉ có ở nghệ thuật, mới có khả năng làm những điều bất biến kia thay đổi theo một cách khác lạ, độc đáo hơn, hấp dẫn hơn. Trong tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam- một trong những thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, điều làm nên sức hấp dẫn cho câu chuyện không chỉ là lối viết tinh tế miêu tả phố huyện nghèo tới mức chân thực và sinh động mà còn là nghệ thuật sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Chính hình tượng ánh sáng và bóng tối trong “hai đứa trẻ” tác giả đã khắc họa được cuộc sống nghèo khó tù túng và khát khao vượt ra khỏi thế giới nhỏ bé để tiến đến những ước mơ lớn hơn, tương lai tốt đẹp hơn của những con người phố huyện.

III. CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ

MB1: Phân tích cảnh cho chữ

Trong quá trình sáng tác của mình, mỗi người nghệ sĩ lại lựa chọn một không gian nghệ thuật để đi về, những đề tài riêng, những góc nhìn riêng. Cũng bởi điều này đã tạo nên sự đa dạng trong những tác phẩm trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Đến với Nguyễn Tuân là đến với những trang văn khác biệt độc đáo bởi lối viết, cách xây dựng cốt truyện, tình huống, nhân vật mà không một nhà văn nào có thể trùng lặp. Nét độc đáo ấy của Nguyễn Tuân được thể hiện rất rõ qua tác phẩm “Chữ người tử tù”- một truyện ngắn xuất sắc trong tập “Vang bóng một thời”. Với bàn tay tài hoa của mình, Nhà văn đã dựng lên một tình huống truyện hết sức độc đáo và kịch tính với cuộc kì ngộ của những con người đối lập trong cảnh cho chữ – một cảnh tượng xưa nay chưa từng có ở ngay chốn ngục tù.

MB2: Phân tích nhân vật Huấn Cao

“Một tác phẩm đạt gần tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ” –  đó là lời nhận xét của Vũ Ngọc Phan dành riêng cho “Vang bóng một thời “ của Nguyễn Tuân. Không sai đâu khi nói Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ của cái đẹp và suốt đời đi tìm cái đẹp bởi lẽ ông đã sáng tác nên những trang văn hay đi sâu vào lòng người đọc. Xuyên suốt “ Vang bóng một thời” là cảm hứng ngợi ca cái đẹp và ” Chữ người tử tù” là tác phẩm nằm trong mạch cảm xúc chung ấy. Qua câu chuyện, Nguyễn Tuân muốn khẳng định giá trị cao quý của cái đẹp, đồng thời ca ngợi những con người có nhân cách cao thượng, có khí phách hiên ngang và thiên lương trong sáng, biết quý trọng, gìn giữ, bào vệ cái đẹp như một vật báu ở đời. Ông Huấn Cao, một kẻ tử tù đang chờ ngày ra pháp trường chính là hiện thân cái đẹp ở thời đó, một nhân vật được dựng lên theo cảm hứng lãng mạn với những phẩm chất tiêu biểu nhất là tài hoa sang trọng, hiên ngang bất khuất và có thiên lương trong sáng.

IV.VỘI VÀNG

MB1:

Trước cách mạng, nhà thơ Xuân Diệu đã hơn một lần tâm sự: “Tôi sợ mất sự sống của tôi, tôi không muốn nó rớt chảy trôi theo dòng ngày tháng” (Lời đưa duyên-1945) và “Nếu tôi đứng, nếu máu tôi ngừng, thời gian của tôi sẽ không còn nữa”(Thương vay-1939). Quả thực, Xuân Diệu là một “nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này” như Hoài Thanh đã từng nhận định. Với trái tim nóng hổi, luôn bồi hồi, rạo rực cảm giác được sống mãnh liệt và yêu cuồng say , Xuân Diệu đã từng viết rất nhiều bài thơ nói lên khát vọng của mình. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của hồn thơ Xuân Diệu là bài thơ “Vội vàng” in trong tập “Thơ Thơ” (1938). Tác phẩm được viết ra trong niềm lo âu về sự trôi chảy của thời gian, là tiếng nói của một tâm hồn yêu sống, ham sống, khát sống, một quan niệm nhân sinh quan mới mẻ mà ở đó ta được sống trọn vẹn từng khoảnh khắc tươi đẹp qua con mắt tinh tế và sự cảm nhận độc đáo của nhà thơ.

MB2:

Sự sống trần thế là một thế giới hấp dẫn và huyền diệu, khiến người ta không thể dửng dưng, thờ ơ mà luôn phải “Vội vàng”, phải mở hết tất cả mọi giác quan và cả lòng mình ra mà sống, “Sống toàn tâm , toàn trí, sống toàn hồn/Sống toàn thân và thức nhọn giác quan” với nó. Có một nhà thơ đã sống như thế, sống hết mình và trân trọng những phút giây quý báu của cuộc đời. Không ai khác chính là nhà thơ Xuân Diệu -một hồn thơ yêu đời và ham sống mãnh liệt nhất trong các nhà thơ trước cách mạng. Dưới cặp mắt xanh non, ngơ ngác và đầy vui sướng, Xuân Diệu đã viết lên “Vội vàng” (1938).Bài thơ là tiếng nói sôi nổi, hăm hở của tâm hồn nhà thơ trước cuộc đời mà chứa đựng đằng sau những tình cảm ấy là cơ sở ý thức về một quan niệm nhân sinh- vũ trụ mới mẻ chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống.

MB3:

Thơ xuân vốn là một truyền thống của làng thơ ca Việt Nam vì đã từng đi qua ngòi bút của rất nhiều tác giả từ Cổ tới Kim. Mỗi bài thơ là một nét xuân riêng luôn khơi gợi những cảm xúc mới mẻ trong lòng người đọc. Trong phong trào thơ mới vào những năm 1932- 1945 các nhà thơ mới cũng không năm ngoài cái thông lệ ấy khi khai thác đề tài mùa xuân và viết lên những vần thơ đi sâu vào lòng người đọc. Đến với Hàn Mặc Tử là đến với những cung bậc cảm xúc lúc dạt dào, lúc thì lắng dịu trong tâm hồn thi sĩ,có lúc vồn vã, có lúc mênh mang qua “Mùa xuân Chín”.Nguyễn Bính cũng độc đáo không kém khi cho rằng “ mùa xuân là cả một mùa xanh” căng tràn sự sống, nồng nàn hơi thở của tình yêu. Thế nhưng Xuân Diệu rất riêng khi đã đem vào cái mùa xuân ấy tất cả những cái rạo rực, cái say đắm, cái nồng nàn của tình yêu khi viết lên “Vội vàng” in trong tập “Thơ thơ” 1938. Đây là một tác phẩm tiêu biểu trong phong trào thơ mới đã góp phần đưa tên tuổi của Xuân Diệu bay cao trở thành nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Qua sức sống căng tràn của mùa xuân, Xuân Diệu đã bày rỏ tấm lòng gắn bó khát khao yêu đời, say mê, cuồng nhiệt, vội vàng về thời gian và ý thức sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân trong cuộc đời.

MB4:

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”. Trước cuộc đời, thơ Xuân Diệu luôn là “một nguồn sống rạo rực chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”. Viết về cuộc đời, về sự sống, thơ ông cũng có những cảm xúc rất đặc biệt “khi vui tươi cũng như khi buồn, thơ ông đều nồng nàn tha thiết”. Quả thực đúng như vậy. Cảm xúc  về cuộc đời được Xuân Diệu thể hiện rất rõ nét qua bài thơ “Vội vàng” in trong tập “ Thơ Thơ” (1938). Sự gắn bó sâu sắc với cuộc đời và sự sống trần thế của hồn thơ ấy đã được thể hiện một cách khá sinh động, độc đáo qua những cảm xúc thơ nồng nàn, da diết, những tình cảm mới mẻ về cuộc đời và thiên nhiên, về tuổi trẻ và tình yêu, về thời gian và ý thức sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân trong cuộc đời.

 V.TRÀNG GIANG

MB1:

Bài thơ ” Tràng Giang” in trong tập Lửa Thiêng xuất bản năm 1940 là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của hồn thơ Huy Cận. Trong số các nhà trơ trước cách mạng, Huy Cận là một hồn thơ ảo não nhất, thơ ông luôn chất chứa nỗi sầu nhân thế: nỗi buồn tủi về thân phận bơ vơ, bé bỏng, tội nghiệp của con người trong cuộc đời rộng lớn đầy bất trắc. Cũng chính vì lẽ đó: Huy Cận thường tìm đến những không gian rộng lớn, không gian vũ trụ bao la, quạnh vắng để làm nỗi bật cảm giác cô đơn, rợn ngợp của con người.Qua “Tràng Giang” một bài thơ mang ”vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại” , Huy Cận đã bộc lộ  cái sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người , tình đời, lòng yêu nước thầm kín và thật thiết tha.

MB2:

Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào thơ mới (1930 – 1945). Ông yêu thích thơ ca Việt Nam, thơ Đường và chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn học Pháp. Thơ ông hàm súc và giàu chất suy tưởng. “Tràng Giang” là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Huy Cận được viết vào mùa thu năm 1939. Bài thơ là một minh chứng điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và chất hiện đại, vẽ lên trước mắt chúng ta một bức tranh thiên nhiên yên bình, tĩnh lặng, ẩn chứa sau đó là cả một nỗi sầu “vạn kỷ” của người thi sĩ.

MB3:

Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận định: ” Đời chúng ta nằm trong một vòng chữ tôi, mất bề rộng ta đi tìm bề sâu, càng đi sâu ta càng lạnh, ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình của Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu”. Nếu Xuân Diệu gắn liền với đắm say với thiết tha , rạo rực thì nhà thơ Huy Cận lại gắn liền với nổi sầu vận kỷ mênh mang, đa sầu, đa cảm. Bài thơ ” Tràng Giang” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và  tình thơ Huy Cận. In trong tập lửa thiêng xuất bản năm 1940, Tràng Giang đã gợi tả cảnh đất trời sông nước mênh mông, qua đó thể hiện nỗi buồn tủi, tâm trạng cô đơn và cảm giác rợn ngợp của con người khi đứng trước khung cảnh trời nước mênh mang hùng vĩ của đất nước quê hương mình.

 

ĐÂY THÔN VĨ DẠ

MB1:

Vĩ Dạ- một làng quê thanh bình nằm bên bờ Hương Giang thuộc ngoại vi thành phố Huế. Vĩ Dạ xinh đẹp với những con đò thơ mộng, những mảnh vườn xanh tươi bốn mùa, sum sê hoa trái, những ngôi nhà xinh xắn thấp thoáng ẩn hiện sau hàng cau. Thôn Vĩ Dạ đẹp nên thơ, có lẽ vì thế mà Hàn Mặc Tử đã dành cho nơi đây những vần thơ đẹp nhất với tất cả lòng tha thiết mến thương. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ:” in trong tập “Thơ điên” (1938) là một trong những thi phẩm xuất sắc tiêu biểu cho ngòi bút phong cách Hàn Mặc Tử. Qua “Đây thôn Vĩ Dạ”- một tác phẩm bắt nguồn bức bưu ảnh mà Hoàng Cúc- người tình trong mộng của Hàn gửi tặng kèm lời thăm hỏi khi Hàn đang lúc bệnh đau. Bài thơ đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp nơi thôn Vĩ, qua đó cũng bộc lộ sâu sắc sự cô đơn, tiếc nuối và những nỗi buồn chất chưa trong tim tác giả, là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu cảnh yêu đời.

MB2:

Nắng mới, nắng xuân xuyên qua từng kẽ lá làm tan chảy những hạt sương đêm, nhỏ giọt xanh như ngọc. Những vườn cây xanh mướt, tươi tốt căng tràn nhựa sống, những cánh hoa đong đưa theo làn gió ngọt ngào sắc hương làm lòng người cứ mãi đắm say.Ấy chính là vẻ đẹp của thôn Vĩ Dạ- một vùng đất xứ Huế đầy thơ mộng qua con mắt cảm nhận của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hàn mặc tử khiến cho người ta nhớ đến bởi giọng thơ độc đáo mới lạ của một hồn thơ quằn quại đau đớn trong bất hạnh. Khi đang nằm trên giường bệnh, nhận được bức bưu ảnh kèm lời thăm hỏi của Hoàng Thị Kim Cúc- người con gái ông yêu, ông đã đặt bút mà viết lên “Đây thôn Vĩ Dạ” như một lời tâm sự tha thiết của một tấm lòng yêu đời, yêu người. Hiện lên trong bức tranh ấy còn là xứ Huế hữu tình, con người Huế duyên dáng, đôn hậu. Thật đúng khi ai đó đã từng nói rằng: “ Đây thôn Vĩ Dạ” của hàn Mặc tử có cả tâm cảnh và phong cảnh.

MB3:

Hàn Mặc Tử- một hiện tượng thơ kì lạ vào bậc nhất của phong trào thơ mới.Một đời thơ không dài nhưng Hàn Mặc Tử đã để lại một lượng tác phẩm đáng phục và ông được ví như “ngôi sao băng có ánh sáng khác lạ vụt qua bầu trời văn học” làm người ta nhớ mãi không quên. Hàn Mặc Tử khiến người ta nhớ đến bởi giọng thơ độc đáo mới lạ của một hồn thơ luôn quằn quại đau đớn trong bất hạnh. Ấy là những vần thơ điên, thơ say, thơ trữ tình ngọt ngào mà đằm thắm. Ngòi bút của ông xuất phát từ tình yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống tha thiết. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Hàn Mặc tử là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” in trong tập Thơ điên (1938). bài thơ chính là âm thanh trong trẻo được cất lên từ bản nhạc đau thương của cuộc đời tác giả khi nằm trên giường bệnh. Sâu trong nỗi nhớ và niềm thương với người con gái xứ huế, bài thơ còn vẽ lên một bức tranh thật đẹp nơi thôn Vĩ từ đó bộc lộ sâu sắc nỗi cô đơn và nỗi buồn chất chứa trong tim tác giả.

MB4:

“Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ

Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt…”

Viết về xứ Huế, có nhiều tác giả đã dành hết cả tâm tư tình cảm của mình để mà nâng niu mảnh đất này bằng những lời thơ đẹp. Hàn Mặc Tử cũng như những tác giả khác, ông viết về Huế bằng niềm trân trọng mảnh đất ông yêu, gửi gắm cái tình cảm chân thành của mình cho nó với tất cả lòng tha thiết mến thương. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một tác phẩm được tác giả sáng tác khi đang nằm trên giường bệnh, nhận được sự thăm hỏi cùng bức bưu ảnh nơi quê hương yêu dấu từ Hoàng Thị Kim Cúc, niềm bồi hồi tha thiết nhớ thương dấy lên trong lòng ông để rồi thôi thúc ông đặt bút viết lên những vần thơ về nơi ấy. “Đăng thôn Vĩ Dạ” in trong tập “Thơ Điên” (1938) đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm của đồng thời giãi bày một nỗi niềm bâng khuâng, một khát khao về hạnh phúc với con người thôn Vĩ của người thi sĩ đa tình.

 

TỪ ẤY

MB1:

Có một nhà thơ đã từng tâm sự: “Tôi phải lòng đất nước và nhân dân của mình”.Có một nhà thơ cũng đã từng khẳng định: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình” và gắn cả cuộc đời của mình với cuộc đời cách mạng, nhà thơ đó không ai khác ngoài Tố Hữu.Từ một thanh niên trí thức tiểu tư sản, được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu đã trở thành một chiến sĩ cộng sản. Thơ ông viết về chính trị nhưng không khô khan, mà ngược lại, dễ đi vào lòng người bởi chất trữ tình truyền cảm. “Từ ấy” nằm trong phần “Máu lửa” của tập thơ “Từ ấy”(1937 – 1946) là một trong những tác phẩm nổi bật của hồn thơ Tố Hữu.” Từ ấy” – lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản đã và đang cống hiến hết sức cho quê hương đất nước mình.

MB2:

Tố Hữu là đỉnh cao của thơ ca cách mạng Việt Nam.Sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng, gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường Cách mạng đầy gian khổ hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vẻ vang của dân tộc.Thơ ông là lời kêu gọi, thơ chiến đấu, thơ hành động, thơ “mang cánh lửa”, “Đốt cháy trái tim con người vào ngọn lửa thần của Đại Nghĩa” (Xuân Diệu).Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Tố Hữu đã để lại cho văn đàn Việt Nam rất nhiều những áng thơ hay, một trong số đó không thể không nhắc tới đó là bài thơ “Tây Tiến”nằm trong phần “Máu lửa” của tập “Từ ấy” (1937- 1946). tác phẩm chính là niềm vui lớn và tâm nguyện thiết tha của nhà thơ khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản, tự nguyện gắn bó với nhân dân lao khổ, tự nguyện hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng và giai cấp cần lao.