Suy ngẫm của anh (chị) về câu tục ngữ mà anh (chị) tâm đắc nhất (HS Lại Minh Châu, Lớp 12A10 năm học 2018-2019)

Lượt xem:

Đọc bài viết

 “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần.”

Hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã nói lên một triết lý sống gần như là quy luật của thành và bại đối với mọi người. Dù thành công rực rỡ tới đâu cũng không tránh khỏi gặp phải thất bại cay đắng, cốt yếu là cách mỗi người đối mặt với  nó. Điều này được thể hiện qua câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” mà cha ông ta đã để lại cho con cháu.

Câu tục ngữ vốn không còn xa lạ, thế nhưng để hiểu cho đúng, hiểu cho tường tận thì không phải ai cũng làm được. Vậy “Thất bại là mẹ thành công” nghĩa là gì? Trước hết là hiểu về thất bại. Thất bại nghĩa là vấp ngã, không đạt được kết quả như dự tính ban đầu. Ngược lại với thất bại là thành công, chỉ việc đạt được kết quả như mong muốn hay hoàn thành công việc một cách tốt đẹp. Hai cụm từ đối lập tưởng chừng như mâu thuẫn này lại được cha ông ta khéo léo liên kết lại với nhau thông qua từ hàm nghĩa: “mẹ”. Mẹ sinh ra con, có mẹ mới có con, đó là điều hiển nhiên mà ai cũng biết. Bằng nghệ thuật ẩn dụ, câu tục ngữ đã cho chúng ta thấy mối quan hệ “mẫu tử” của thất bại  và thành công. Coi thất bại là mẹ, thành công là con ngụ ý muốn nói thất bại giúp chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó làm cơ sở cho thành công. Mặt khác, câu tục ngữ còn mang ý nhắc nhở chúng ta rằng: thất bại không được nản lòng, thất bại là động cơ giúp ta vững bước hơn để tiến đến thành công trong tương lai.

Đối với những người có ý chí quyết tâm, dám chấp nhận thất bại và dám đứng lên từ vấp ngã, câu tục ngữ là lời động viên vô cùng cần thiết, là kim chỉ nam đúng đắn cho tình thần đang lúc suy sụp của họ. Song đối với những người sợ thất bại, câu tục ngữ trên hẳn là chưa thể nói lên toàn bộ ý nghĩa, đôi khi còn bị xem là không đúng. Vì sao vậy? Đơn giản bởi lẽ những con người đó còn không dám đối mặt với thử thách, lúc nào cũng sợ thất bại, bo bo giữ mình thì lấy đâu ra cơ hội để tôi luyện bản thân? Lấy đâu ra sóng gió để mà “có dịp” thất bại? Lại càng không nhắc đến thành công!

Tính đúng đắn của câu tục ngữ  là chắc chắn, tuy nhiên nói vậy cũng không đồng nghĩa với việc cứ phải thất bại mới đến được thành công. Đôi khi có thể trực tiếp thành công mà không phải nếm chịu cảm giác thất bại, nhưng hẳn là điều đó chỉ chiếm một phần vô cùng nhỏ, hơn nữa thành công ấy cũng khó đảm bảo về “độ lớn”. Tại sao nói câu tục ngữ này đúng với những người dám chấp nhận và sẵn sàng thay đổi? Vì phần lớn, hầu hết trong số họ đều đã có mục tiêu, hoài bão của riêng mình. Họ thường có lòng tự trọng và tin thần dám làm dám chịu cao. Thất bại đối với họ chỉ là bài học kinh nghiệm mà họ phải đón nhận, hay chính là “cú hích” có tác dụng kích thích họ đứng lên để tìm tòi, sửa đổi phương pháp và học hỏi nhiều hơn nữa, không thể ngăn cản họ bước đến thành công ở đích cuối!

Vì sao không được nản lòng trước thất bại? Thất bại như một đòn giáng mạnh mẽ vào tâm trí chúng ta, mang đến sự ủ dột, chán nản, đau khổ tột độ. Thế nhưng nó chỉ là cảm xúc tức thời. Đây là tâm lý chung, mục tiêu đặt ra càng lớn khi thất bại sẽ nhận lấy thất vọng càng cao. Nhưng mỗi người lại có cách vượt qua khác nhau. Một bộ phận chìm sâu trong thất bại, một số khác lại vượt qua thất bại bằng nghị lực của bản thân, đây là bộ phận đại diện cho ý nghĩa của câu tục ngữ trên. Là con người, sao tránh khỏi thất bại trong cuộc sống? Chắc chắn là không thể. Nếu cứ nản lòng và gục ngã thì quãng thời gian sau thất bại chẳng phải là vô nghĩa hay sao? Nản lòng hay chìm trong thất bại không thể cho chúng ta có cơ hội chạm tay tới thành công!

Chính vì vậy, khi đối mặt với thất bại cần phải rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách hành động. Trong thực tế, câu tục ngữ này mang tính bao hàm ở nhiều khía cạnh, từ xưa đến nay. Ví như khi còn bé, trước khi biết đi vững, đã bao lần chúng ta té ngã? Khi đi học, để đạt được điểm 10 tuyệt đối, đã bao lần chúng ta làm sai? Đến khi trưởng thành, thất bại vẫn hiện diện quanh ta, từ công việc, tình cảm, gia đình,… Thử nghĩ nếu như không đứng dậy và bước tiếp, hoặc sợ hãi mà lùi lại, chúng ta sẽ chỉ là những con người yếu đuối, hèn nhát trước trò chơi cuộc đời!

Hãy coi thất bại là bài học, không có thất bại, chỉ có bài học kinh nghiệm mà cuộc sống trả lại cho ta. Đây cũng là suy nghĩ thường thấy ở các bậc vĩ nhân, những con người đã thất bại rất nhiều lần trước khi có được thành công rực rỡ. Thomas Edison – nhà bác học thiên tài người Mỹ đã thất bại cả nghìn lần mới sáng chế ra bóng đèn điện đầu tiên cho nhân loại. Nhà hóa học Anfred Nobel đã không ít lần làm nổ tung phòng thí nghiệm, thậm chí ông phải trải qua nỗi đau đớn khi mất đi người thân ruột thịt trong công cuộc làm thí nghiệm mới tìm ra loại thuốc nổ hoàn hảo. Hay Walt Disney, nhà sản xuất phim nổi tiếng đã từng bị sa thải khỏi nơi làm việc vì bị chê thiếu sáng tạo, không làm nên trò trống gì. Còn có nhà văn JK. Rowling – mẹ đẻ của bộ tiểu thuyết Harry Potter nổi tiếng cũng từng bị các nhà xuất bản phớt lờ “đứa con tinh thần” này,…

Đó là trên thế giới, còn gần gũi hơn, ở Việt Nam thì sao? Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng là minh chứng cho câu tục ngữ trên. Ông từng thi hỏng lần đầu vào lớp chuyên toán ở trường cấp 2, nhưng quyết không từ bỏ. Vài năm sau, cánh cửa chuyên toán ở trường cấp 3 đã rộng mở với ông. Để rồi sau này ông đã đạt được những giải thưởng Toán học danh giá thế giới. Hay như ông Đào Nguyên Đức, từng 4 lần thi trượt Đại học, 22 tuổi nhưng không nhà, không nghề, không tiền bạc đã vượt qua tất cả để làm lại từ đầu và sáng lập ra tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ngoài ra nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký cũng từng thất bại nhiều lần trong quá trình tập sử dụng đôi chân thay đôi tay bại liệt của ông. Và còn vô số cái tên khác, mảnh đời khác chứng minh “Thất bại là mẹ thành công”.

Thậm chí, câu tục ngữ còn thể hiện qua trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nếu cha ông ta không đứng lên từ những thất bại, không có ý chí làm lại  từ đầu thì thử hỏi, vận nước bây giờ thế nào? Chiến tranh và giặc ngoại xâm vốn dĩ chẳng xa lạ, thế nước ta mạnh yếu tùy lúc, làm sao có thể khẳng định bách chiến bách thắng? Rõ ràng không thiếu những sai lầm, thất bại về quân sự, chính trị. Đôi khi đó chỉ là thất bại nhỏ, tạm thời gián đoạn một cuộc khởi nghĩa, một trận nổi dậy. Song đôi khi đó  lại là thất bại khủng khiếp, giáng mạnh vào chính quyền nước ta. Những “dấu mốc đen tối” đó phải kể đến giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc, bị các triều đại phong kiến  phương Bắc đô hộ, bị thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm chiếm. Nguyên nhân những thất bại ấy có thể đến từ phần nào chủ quan, mất cảnh giác, có lẽ chưa vận dụng được sức mạnh dân tộc, hay là sai lầm ở chiến lược,… Tuy nhiên, dù có trải qua những tháng ngày đen tối, lịch sử Việt Nam không vì thế mà bị nhạt nhòa! Ông cha ta đã tìm ra những thiếu sót, đồng lòng sát cánh, từng bước đạt được thắng lợi vẻ vang. Thành công lúc này không phải của riêng một ai mà là của cả tập thể, cả dân tộc!

Chung quy mà nói, thất bại không có gì đáng xấu hổ, chỉ có không dám chịu trách nhiệm với thất bại của bản thân mới là điều đáng chê trách. Thử nghĩ, những con người kia, nếu không học hỏi và thay đổi từ thất bại thì đất nước này, thế giới này có những thành quả tuyệt vời mà vốn dĩ là do họ mang đến hay không? Nhân dân ta có thể thoát khỏi ách thống trị của bọn cướp nước và tay sai được không? Xã hội này sẽ ra sao nếu đau đâu cũng chỉ là những con người “sợ thất bại, ngại thành công”? Thành công chắc chắn chỉ là chùm nho chín mọng mà “con cáo” – hay loại người bi lụy sau thất bại, không bao giờ có thể với tới.

Ông cha ta dạy không hề sai: chớ để thất bại làm nhụt chí hướng. Phải tự hình thành suy nghĩ coi thất bại là mẹ, thành công là con chứ tuyệt đối không được mang suy nghĩ bi quan, tiêu cực như thất bại chính là “kẻ thù giết chết thành công”. Mặt khác, càng không được vin vào lý lẽ “thất bại là mẹ thành công” mà làm lệch lạc suy nghĩ. Sẽ có một số người ỷ lại vào điều này, hiển nhiên họ cảm thấy bình thường khi thất bại, không có động lực thì nói gì đến rút ra sai lầm mà sửa chữa! Kết quả họ nhận được, khả năng cao là tiếp tục thất bại này đến thất bại khác, cho đến khi họ có thể nhận ra ý nghĩa chân chính của thất bại.

“Thất bại là mẹ thành công” nhằm an ủi, động viên lúc chúng ta vấp ngã, đồng thời nhắc nhở chúng ta không được quên những thiếu sót, sai lầm mà bản thân đã phạm phải. Một khi thất bại phải cố gắng gấp nhiều lần trước kia mới có thể khắc phục được sai sót. Thời gian, cộng với nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần vươn lên, cũng như phương pháp đúng đắn sẽ là liều thuốc hiệu nghiệm, triệt tiêu mầm mống thất bại để đón lấy thành công thực sự. Câu tục ngữ còn dạy chúng ta phải sống mạnh mẽ, kiên trì, bền bỉ, quyết không để “bóng ma” của thất bại kìm hãm!

Chúng ta đang là những cô, cậu học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Bản thân mỗi người đều có thể đã nhận lấy thất bại nào đó như là cái giá cho một vài sai sót, có thể lớn hoặc nhỏ mà bản thân đã từng gây ra. Sau này, khi đã rời khỏi trường học, bước chân vào trường đời, nguy cơ chạm trán với thất bại càng cao hơn. Song dẫu có thất bại ra sao, hãy đối mặt với nó một cách can đảm, tìm ra nguyên nhân để chuẩn bị kĩ lưỡng cho hành động tiếp theo, từ đó mới có thể vươn tới thành công xứng đáng. Có như vậy, câu tục ngữ trên – đại biểu cho kinh nghiệm xương máu của ông cha ta, mới có thể theo sát và đồng hành cùng một xã hội thành công!