Chỉ còn là nỗi nhớ (Lương Thị Thu Hằng, Lớp 12A2 khóa 2014 – 2017)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Những cơn mưa tầm tã đầu tháng Sáu cứ bất chợt đến, bất chợt đi khiến những kẻ tất tả ngược xuôi không khỏi bối rối. Vừa kịp tấp vào mái hiên cũ bên đường, vai áo đã chợt ướt đi mấy phần. Vừa kịp mặc cho mình chiếc áo mưa, cơn mưa đã tạnh tự bao giờ.

Ai đó đã nói rằng, thanh xuân cũng giống như một cơn mưa rào vậy. Nó mang đến cho ta chút hạnh phúc thuần khiết, những nụ cười trong trẻo, nhưng cũng có đầy nước mắt, và đôi khi, người ta cũng run lên vì giá lạnh.

Tháng Sáu, nhìn những sĩ tử tất bật ôn thi vào đại học, lòng tôi bỗng thấy hụt hẫng lạ thường. Mới đó thôi mà đã một năm rồi sao? Một năm kể từ ngày tôi kết thúc tiết học cuối trong căn phòng nhỏ ngập nắng, với bảng đen và phấn trắng, với lũ bạn lầy lội. Một năm, kể từ những giọt mồ hôi trên giấy, những giọt nước mắt trong phòng thi. Một năm, kể từ ngày chia tay những kỉ niệm thuần khiết và trong trẻo nhất trong đời.

Người ta vốn có nhiều định nghĩa về thanh xuân lắm. Nào là bài văn chưa kịp viết, nào là bài toán khó nhằn, nào là cậu bạn bàn bên với nụ cười khiến trái tim cô gái mới lớn lỗi nhịp. Còn với tôi, thanh xuân là quãng thời gian tôi cười nhiều nhất, khóc cũng nhiều nhất. Tôi cười khi đến trường, cùng học cùng làm với mấy cô cậu bạn thân, những người mà luôn chê bai trước mặt, nhưng luôn bảo vệ sau lưng. Tôi cười vì những giờ ra chơi được đùa nghịch, cột tà áo dài đánh nhau với mấy cậu bạn. Tôi cười khi được điểm 10, điểm 9. Tôi cũng đã khóc vì những trẻ con hờn dỗi, vì những lần tủi thân vì bị bạn chê cười.

Thanh xuân của tôi là họ – 43 con người đặc biệt. Có người tôi coi như chị em. Có người tôi lại chẳng thân lắm. Có những người tôi chưa một lần ngồi xuống lắng nghe họ, trò chuyện với họ. Nhưng rồi ngày tri ân, rồi ngày tổng kết , chúng tôi đã kịp vội trao nhau những cái ôm thật chặt.

Người ta đi học cả đời, nhưng có mấy năm được gọi là thanh xuân? Có chăng chỉ là 3 năm phổ thông ngắn ngủi. Những năm tháng ấy, ta tự hào vì đã đúng với cảm xúc của trái tim. Đã yêu thương, ghét bỏ, hờn dỗi. Đã khóc, đã cười, đã nhớ thương.

Tạm biệt những ngày tháng vô tư mưa chẳng ướt áo, nắng chẳng tới đầu. Tạm biệt những vở kịch tập-một-lần-rồi-diễn của cả lớp. Tạm biệt những bịch bánh tráng trộn Dung mama mà cả đám ăn bốc ăn vội giờ ra chơi. Năm ấy, tôi không phải là ngày đầu tiên bước vào lớp 10A2, nhưng phòng học của 12A2 đó, tôi là người bước ra cuối cùng.

“Gặp mặt để rồi xa, thân quen để thành lạ”.

Mình không phải là học sinh ngoan, và chưa bao giờ ngoan cả. Nếu không muốn nói là khá ngỗ nghịch. Vào văn phòng đoàn, phê bình trước lớp, bị đuổi khỏi phòng học, lên phòng hiệu trưởng, bị thu điện thoại.

Hồi cấp 3, hằng ngày đi 3 điểm thẳng hàng : Nhà thầy, nhà mình, nhà trường, mình cảm thấy vô cùng nhàm chán, bức bối, mở miệng ra là ” cứ ở mãi ao làng rồi ao sẽ cạn, sao không ra sông biển để vẫy vùng”. Mình đếm ngược từng ngày thi học kì 1, học kì 2, rồi hết năm để ngày đi xa khỏi mảnh đất ấy gần thêm… Mình cũng cảm thấy thầy cô hơi khó tính, hơi vô lí, nhiều khi chả buồn đi học… vì hôm ấy có văn và sử cả buổi. Có những hôm ngồi trong lớp nhìn ra khung cửa, tâm hồn treo ngược cành cây, cảm thấy mình như ngồi sau song sắt nhà tù, tự hỏi bao giờ mới mãn hạn đây?

Và rồi ngày mình mong muốn cũng đến,vậy mà sao mình chẳng thấy vui. Thi xong học kì, lên trường chỉ để gặp nhau tán gẫu mấy câu, cả đám chơi ném nước vào nhau, cùng nhau chụp ảnh kỉ yếu, rồi cùng nhau hát Quốc Ca, mình mãi mãi chẳng bao giờ quên những gương mặt ấy, sâu trong ánh mắt mỗi người, có gì đó tiếc nuối. Đến những ngày ấy rồi, cả đứa mình từng ghét cay ghét đắng cũng thấy dễ thương đến lạ…..Những ngày tháng cuối cùng ở trường là những ngày cả đám tự học ở lầu 3, ôm bàn ra ban công ngồi, hóa ra ban công bên trái dãy A đẹp đến vậy ! Tất cả mấy đứa mình cùng nhau ôn luyện, từ sáng đến trưa, có khi xuyên cả trưa, rồi trưa đến tối, đến khi bị đuổi mới chịu về… Có lẽ, khi sắp mất đi thứ gì thì chúng ta mới biết quý trọng, các bạn nhỉ?

Xuống Sài Gòn, tự lập cũng khó khăn hơn, tình cảm, khó khăn hiếm người để chia sẻ, con người Sài Gòn dễ thương nhưng cũng lắm kẻ lọc lừa. Học hành đa phần tự học, chẳng ai thèm đốc thúc, lo lắng cho đâu… Sài Gòn làm gì có cô Hà, thầy Tiền, thầy Bình, thầy Quỳnh ngày nào cũng kêu lên bảng, để cho mình chăm học bài, nhưng sau lưng lại bị lũ học trò không biết trước sau bảo là thầy khó, thầy đì. Sài Gòn không có bác bảo vệ nóng tính hay nạt mấy đứa hay bác lao công cần mẫn quét lá mỗi sáng, cười với mấy đứa.

Sài Gòn đồ ăn cũng đắt, làm gì có ép ướt 10 ngàn 5 cái, bánh bèo Quảng Điền, bánh canh Buôn Trấp, bánh mì heo quay 10 ngàn, Sài Gòn cái gì cũng đắt đỏ, bao gồm cả tình người. Sài Gòn không có nhiều tình bạn chân phương đơn thuần như quê mình, không có thầy Hồng, thầy San nạt nộ, phạt mấy đứa, nhưng sau lưng vẫn cho trò mượn chìa khóa học chui trên lầu 3…

Mình ngưỡng mộ các bạn khóa sau, vì đang được học lớp trên 30 người, gió mát mẻ, bạn thân thiện, thầy tận tâm. Mình ganh tị với các bạn, những giờ học thể dục có thể vô quán cô Sen ăn 2 ngàn sinh tố, qua quán bún mắm và ép ướt, vừa ăn vừa trò chuyện, no mà vui…

Những ngày này Sài Gòn cũng có hoa bằng lăng tím nở, nhưng chẳng đẹp bằng ở Hồ Sen mình, những lần đi bộ qua chợ Bến Thành, gió đổi chiều làm mình nhớ nhà kinh khủng, giờ đang mùa cà đây, chắc hẳn nhộn nhịp lắm.  Mình nhớ trường, nhớ nhà, nhớ đập 10 tháng 3, nhớ Quảng Điền, nhớ người Đắk Lắk, xuống đây cứ thấy bảo người Đắk Lắk là muốn bắt quen, muốn làm thân liền, đi xe bus nghe 2 chú công nhân nói tiếng Ê Đê, sao mà nhớ xe bus chỗ mình đến thế, người mình chất phác, thật thà…

Nhớ thầy cô… Giờ mới thấy nhờ những tiết Văn ” buồn ngủ” mà khi ra ngoài em có thể viết lách, từ email, thư từ, content mà chẳng tốn nhiều công sức. Ai ngờ đâu một đứa học khối A lại sống nhờ nghề viết?  Nhờ những tiết Lý, Hóa “nhàm chán và khô khan”, giờ đây em có thể tự tin chỉ bài cho em út mình, cảm ơn những tiết Giáo dục, Sử, Địa, giờ đây học Triết mới đỡ khó khăn, đi ra ngoài gặp chủ đề gì cũng nói được, cảm ơn Toán của thầy, giờ đây em gặp người anh em của nó rồi, Toán cao cấp nhằn hơn nhiều. Cảm ơn Tiếng Anh, một đứa ở núi xuống như em, dám chỉ đường cho Tây cũng là thành tích lớn. Cảm ơn Thể dục, em ở đây đi bộ nhiều, mưa nắng ít khi ốm lắm thầy ạ…

Cảm ơn tất cả, cảm ơn những năm tháng ấy, dẫu biết rằng chỉ là bắt đầu, nhưng đôi chân này sẽ không bao giờ chùn bước… Chúc thầy cô sức khỏe, chúng em rồi sẽ trở về, sẽ cố làm gì đó cho quê hương mình, dù là nhỏ thôi, cũng không uổng ngày tháng ấy trên ghế nhà trường…  Cô Hà ơi, ở đó không phải ao làng nữa, là Nhà cô ạ.